Giai thoại Nam Ô

Ở Nam Ô còn lưu truyền câu chuyện về trận chiến giải cứu Huyền Trân công chúa nhà Trần. Năm 1306, Huyền Trân trở thành vợ của vua Chế Mân, được tấn phong Hoàng hậu với mỹ hiệu Paramesvari. Sau gần một năm sau, vua Chế Mân qua đời, theo tục lệ của người Chiêm, "vua chết, hậu phải chết theo", nhưng do Huyền Trân đang mang thai nên việc hỏa thiêu được phép lùi lại. Biết chuyện, tháng 10 năm 1307 vua Trần Anh Tông sai Trần Khắc Chung và Đặng Văn đi thuyền sang Chiêm quốc viếng tang và tìm cách giải cứu Huyền Trân về Đại Việt.

Trên đường trở về Đại Việt, đoàn quân của võ tướng Trần Khắc Chung cùng công chúa Huyền Chân có ghé qua làng Nam Ô, được dân làng tiếp đón và che chở một thời gian. Khi ở làng Nam Ô, quân Chiêm biết được và đến bao vây, một viên tùy tướng của Trần Khắc Chung chỉ huy một toán quân liều chết đánh chặn hậu để Trần Khắc Chung dùng thuyền nhẹ đưa Công chúa Huyền Trân ra khơi trở về Đại Việt. Khi đoàn thuyền đưa công chúa mờ khuất ngoài khơi xa, vị tướng giữ nhiệm vụ đánh chặn hậu anh dũng hy sinh. Để tưởng nhớ vị tướng đã anh dũng hy sinh trong trận chiến, dân làng chôn cất và phong làm tiền hiền của làng. Một dị bản khác thì cho rằng khi cả đoàn lên thuyền, một tùy tướng tình nguyện ở lại để trở thành người đầu tiên sống và chết ở Nam Ô. Ông chính là vị tiền hiền được người dân Nam Ô thờ phụng hôm nay.[1]

Cho đến ngày nay, ngôi mộ thờ vị tướng vẫn còn, hàng năm, vào ngày 24 tháng 6 âm lịch hàng năm dân làng tổ chức giỗ tiền hiền của làng và xướng lên văn tế có từ hàng trăm năm trước: "Cổ vân lôi ư, tam cấp vũ môn, ninh kiến hà trừng thiên lý/ Chiêm phong lãng ư, kỷ trùng hoàng hải, vĩnh khang thốn tức thôn kình" (Sấm mây xưa hử, qua mấy màn mưa, lặng nhìn thấy đâu ngoài thiên lý/ Sóng gió Chàm hừ, bồn chồn nhớ nước, kiên gan chờ nuốt cả kình ngư). Về sau, để ghi nhớ công đức mở đất phương Nam của Công chúa Huyền Trân, dân làng Nam Ô lập miếu thờ bà.